Thứ Năm, tháng 1 19, 2012

* Nhớ Ngoại



Tôi đã về đây * thuở còn thơ, (*:Gò Bồi)
Lúc lên năm, bảy tuổi dại khờ,
Hẳn biết vòi tiền trong túi Ngoại,
Hay rồi nhưng bà vẫn làm ngơ...






"Quá nghịch đó nghen đứa cháu tôi",
Chỉ vì mê mía quá đi thôi,
Tôi qua bên chợ bê cây mía,
Mắc,rẻ,khen,chê cũng mua rồi.

Ngoại vờ bảo nhỏ đứa cháu ngoan,
Miá ở đâu mà ăn vậy con?
Qua đây Ngoại dạy con nghe nhé!
Cắn mía nhiều răng con chẳng còn.
.........................................

Ngoại lánh Gò Bồi vội tản cư,
Tránh vùng lửa đạn khói bom mù,
Chiều quê ảm đạm màu tang tóc,
Vườn cà ,bãi mía dậy hoang vu.

Ngày đó con về lại Vũng Nồm,
Cả nhà như nhôn nháo lạ thừơng,
Mẹ gói áo chăn-đồ cần thiết,
Như là đang tính chuyện ly hương.
........................................

Bao nhiêu năm bom đạn vô tình,
Ngoại buồn bên gối vẫn lặng thinh,
Nửa xót quê hương trong khói lửa,
Nửa thương cho dòng giống vô tình.

Ngày xưa công khó đuổi Tàu-Tây,
Đã dẹp yên xong mộng sum vầy,
Những tưởng cuộc đời sau đầm ấm,
Nhưng nào ai biét phận phân ly.
.............................................

Vài năm sau đó Ngoại ra đi,
Tiếc Ngoại khóc thôi biết nói gì,
Bố nhẹ xoa đấu thôi con nhé!
Là người ai cũng một lần đi.

Con biết Ngoại đi chẳng trở về,
Chỉ còn tiếc Ngoại những chiều quê,
Và còn nhớ Ngoại trưa ăn mía,
Rồi còn đây với những ê chề.
...................................

Chiến tranh lại bùng lên khắp nơi,
Bao nhiêu tang tóc phủ bao đời,
Mẹ lo đến lượt rồi con phải.....
Làm kiếp thiêu thân uổng một đời.

Họ vẫn cam lòng sát hại nhau,
Mưa bom-suối đạn,biển đổi màu,
Tang thương nào biết đâu là thực?
Phải chăng cường bạo vẻ vời nhau.
......................................

Bao nhiêu năm khói lửa qua rồi,
Vết thương lòng dần chết trong tôi,
Kẻ được-người không : xin đừng nhắc,
Nhắc mãi chi nghe những nghẹn lời.

Hai mươi năm rõ những chán chường,
Dân Việt lưu đày khắp bốn phương,
Một đời cơm áo lo tìm kiếm,
Đâu ai người lòng vẫn còn vương?

Hôm nay ngày giỗ Ngoại chín mươi,
Nhìn quê lòng luống những ngậm ngùi,
Vẫn những bước chân hờ hững bước,
Làm sao vun đắp để nên đời.

Bạch Xuân Lộc ,mùa xuân 1995